Cá chuồn là món phổ biến trong
bữa ăn hằng ngày của người dân xứ Quảng độ hè về. Và đã là người Núi
Thành thì không ai không biết món cá chuồn xanh nướng, cuốn rau sống
chấm nước mắm ớt, vừa ăn vừa hít hà trong chiều tà bãi Rạng.
Cá chuồn tập trung chủ yếu ở vùng biển Nam Trung Bộ mà nhiều nhất là
vùng biển Quảng Nam. Cá có dáng thon dài, lưng xanh, bụng trắng. Điều dễ
phân biệt nó với các loại cá biển khác là cặp cánh dài tận đuôi. Nhờ
vậy, nó có thể bay, tuy không cao.
Nếu được ra khơi cùng với những đoàn tàu đánh cá, bạn sẽ có dịp chứng
kiến cảnh cá chuồn từng bầy bay là đà, như đám mây vờn trên mặt biển
xanh rờn, chập chờn sóng vỗ.
Tầm tháng ba đến tháng năm âm lịch, nếu bạn có dịp về biển Rạng (Núi
Thành - Quảng Nam) giữa mùa rộ cá chuồn gành, chuồn lộng, chuồn khơi,
chuồn cồ, chuồn xanh… bạn sẽ được thưởng thức hương vị thơm ngon và
không khỏi ngạc nhiên với những món ăn được người dân địa phương chế
biến từ loại cá biển này.
Cá chuồn xanh nướng có mùi vị đặc trưng không thể lẫn với bất kỳ loại cá
nào. Khi ăn cá chuồn xanh nướng cũng không cầu kỳ, cứ cầm hẳn trên tay,
bẻ đôi chấm vào nước mắm nguyên chất hoặc muối sống ớt xanh thì không
gì thú vị bằng, vừa ăn vừa xuýt xoa, mằn mặn đầu môi vị muối của đại
dương…
Nhưng sẽ tuyệt vời hơn nếu cá chuồn nướng quấn trong bánh tráng lề (bánh tráng cuốn) kèm rau sống, chấm nước mắm ớt.

Cá chuồn chế biến được nhiều món ngon: cá chuồn áp nén chiên giòn, cá
chuồn nấu canh với rau ranh, rau muống, nấu cháo gạo, kho, luộc… Nếu là
khách phương xa, bạn sẽ được người dân đãi món cá chuồn nướng. Món ăn
dân dã này đơn giản, rẻ tiền nhưng hương vị rất khó quên.
Các loại cá chuồn đều có thể chế biến món nướng, nhưng được “đánh giá"
cao nhất là cá chuồn xanh tươi được ngư dân đánh bắt trong đêm, sáng vào
bờ bán lại cho những hộ kinh doanh ở bãi biển để nướng phục vụ khách.
Cá chuồn xanh nướng ở ngay bãi biển chỉ cần đánh sạch vảy, làm mang, sau
đó quạt than đỏ đặt cá lên vỉ nướng khoảng 30 phút đem ra vừa thổi vừa
ăn. Có thực khách đem cá nhúng vào nước biển rồi nướng trên bếp than
hồng và thưởng thức hương vị ngọt của cá, vị mặn của nước biển thấm vào
mà khen lấy khen để.
Lạ một điều, riêng loại cá chuồn lại ưa củ nén đến kỳ, dù chế biến dưới
hình thức nào, từ chiên, kho đến nướng cũng không thể thiếu loại củ này.
Vì thế, khi thấy cá chín vàng ươm, người nướng cá sẽ rưới một vài muỗng
dầu ăn có phi củ nén, rồi nướng lại khoảng 5 phút để mùi củ nén bám vào
cá đánh tan mùi tanh, tạo nên vị bùi của thịt cá chuồn tươi pha lẫn với
mùi nén thơm lựng.
Nói không ngoa, nhưng quả thật mùi của cá chuồn xanh nướng thấm dầu phi
nén có sức lan tỏa và quyến rũ “kinh khủng”. Những ngày hè nắng nóng,
chỉ cần chạy xe trên đường dọc bãi Rạng bạn đã nghe mùi cá chuồn nướng
từ các lều, quán bãi biển…chỉ lối ra biển không sợ đi lạc.

Khi nào khách gọi cá mới được đưa lên bếp than nướng
Cá chuồn xanh thường đắt hơn các loại cá
chuồng khơi, chuồn ốc mít, cánh gián…và không cân ký bán mà chỉ bán
con. Mỗi con cá chuồn tùy thời điểm, tùy lớn bé, có giá 10.000 đồng/1
con hay 15.000 đồng/2 con. Khi nhà hàng, các chủ kinh doanh dịch vụ ăn
uống ở bãi biển Rạng nướng bán lại thì mỗi con có giá 15.000 đồng.
Nếu khách đến bãi Rạng là dân bản địa thì sẽ rất dễ dàng “nhận diện”
được đâu là cá chuồn xanh: nó thường dài chỉ khoảng 20 cm (ngắn hơn cá
chuồn cồ), bề ngang to hơn cá chuồn khơi, dài hơn cá chuồn ốc mít và
điểm khác biệt rõ rệt nhất chính là ở màu da xanh đặc trưng như chính
tên gọi của nó.
Nếu là khách phương xa, để không bị “chém”, bị chủ quán “treo đầu cá
chuồn ốc mít tính tiền cá chuồn xanh”, bạn nên đề nghị được xem và chọn
cá ở thùng trước khi nướng để được thưởng thức đúng loại cá chuồn xanh.
Và khi ăn, vị cá chuồn xanh cũng rất riêng, thịt không khô như cá chuồn
cồ mà mềm, bùi và có vị ngọt ngọt.
Cá chuồn xanh nướng có vài thìa dầu phi nén sẽ thơm hơn
Mùa hè về, nắng nóng kéo dài, bãi Rạng chiều nào cũng tấp nập khách đến
tắm biển và thưởng thức cá chuồn xanh nướng. Ra về rồi mà mùi mỡ cá chảy
trên lửa than hồng, mùi nén cháy vẫn cứ thoang thoảng theo làn khói như
nhắn gửi du khách lời hẹn sớm gặp lại.
Comments[ 0 ]
Post a Comment