Công cụ mới của Facebook đang thu hút sự
chú ý lớn vì nó giúp người sử dụng mạng xã hội này tra cứu thông tin dễ
dàng hơn trước, nhưng cách hoạt động của nó cũng khác xa so với cách tìm
kiếm thông thường trên web.
Hiện nay, Google là công cụ tìm kiếm dữ liệu phổ biến nhất đối với
người dùng Internet. Tuy nhiên, một thực tế là khi gõ các từ khóa vào
Google, người sử dụng hiếm khi nhận được kết quả trích xuất từ Facebook.
Mạng xã hội này giống như một "ốc đảo" mà các dịch vụ tra cứu không thể
lục lọi, khai thác.
Trong khi đó, Facebook lại là một kho thông tin đặc biệt phong phú, nơi
hơn một tỷ người thường xuyên chia sẻ và cập nhật dữ liệu. Ở đó có 240
tỷ bức ảnh và một nghìn tỷ kết nối giữa các thành viên với nhau. Đó
chính là nguyên nhân Graph Search ra đời.
|
News Feed, Timeline và mới nhất là Graph Search đã hoàn thiện "kiềng ba chân" trên nền tảng Facebook. |
|
|
CEO Mark Zuckerberg cho hay việc thống kê và hỗ trợ tra cứu lượng thông
tin này thực sự là một thách thức bởi có rất nhiều nội dung được đưa
lên không công khai (public) mà chỉ ở dạng chia sẻ giữa bạn bè (friend)
của họ với nhau. Do đó, trong khi web search hiển thị mọi thứ có chứa từ
khóa mà người sử dụng nhập vào thanh công cụ, thì Graph Search lại đưa
ra kết quả cá nhân hóa, dựa trên bản đồ mối quan hệ của từng thành viên
(Graph).
Graph Search có cách truy vấn tự
nhiên, như người dùng có thể tìm kiếm với câu lệnh "những người bạn của
tôi đang sống ở Đà Nẵng" và hệ thống sẽ thống kê giúp họ những thành
viên trong danh sách bạn bè đang ở thành phố này. Họ cũng có thể mở rộng
hoặc thu hẹp kết quả tìm kiếm như "những người bạn của tôi sống tại Đà
Nẵng, đã lập gia đình, thích nghe nhạc Beatles, thích phim Batman..." và
kết quả trả về phụ thuộc Friendlist của họ có người nào đáp ứng đủ "chỉ
tiêu" như vậy không. Có nghĩa, trong khi một từ khóa nhập trên Google
Search sẽ hiện thị kết quả giống nhau với mọi người dùng, thì kết quả đó
lại khác nhau với mỗi người dùng Graph Search.
Các thành viên cũng có thể tra cứu ảnh
theo cấu trúc "ảnh của tôi/bạn bè trước năm 2008", "những bức ảnh tôi đã
bấm like"... Tuy nhiên, Graph
Search tra cứu dựa trên "mối quan hệ" và "kết nối" nên hệ thống chưa thể
truy vấn theo kiểu Google Search (như gõ 'cafe' để ra tất cả các status
và ảnh chứa từ 'cafe'). Đây là điều Facebook đang tiếp tục theo
đuổi trong thời gian tới và khi đó Google mới phải lo ngại. Còn ở phiên
bản đầu này, Graph Search tập trung vào 4 nhóm tìm kiếm: con người, ảnh,
địa điểm và sở thích. Công cụ mới được cung cấp cho một nhóm người đăng ký dùng thử và sẽ sớm được triển khai trên toàn nền tảng.
Comments[ 0 ]
Post a Comment