Vừa bước chân vào nhà, tôi nghe tiếng hét và tiếng
xịt nước trong phòng tắm: “Bà dạng chân ra đi. Thối không thể chịu
được!”.
Vợ tôi dùng vòi xịt đứng từ xa tắm cho mẹ tôi gầy còm, bé xíu, rúm ró ... Ảnh minh họa
Hé cửa phòng, tôi chết lặng trước cảnh tượng đang diễn ra: Vợ tôi bịt
khẩu trang, dùng vòi vệ sinh xịt nước tắm cho mẹ tôi như người ta tắm
cho chó mèo hay khi rửa xe, còn mẹ tôi ngồi co rúm, đờ đẫn dưới làn
nước.
Tôi đẩy mạnh cửa vào, giằng vòi nước từ tay cô ta, vứt xuống đất. Tôi
hét lên, đuổi cô ta ra ngoài. Cầm ca múc nước lên rửa cho mẹ, tôi khóc
rống lên, tim tôi như bị xé ra hàng trăm mảnh. Mẹ của tôi, người đã hy
sinh cả cuộc đời cho tôi, người tôi yêu thương, kính trọng nhất mực mà
cô ta dám đối xử như vậy?!
Tắm xong, tôi lấy khăn trùm quanh người mẹ rồi đưa bà vào phòng thay
quần áo. Người bà gầy rộc đi, vùng da ở bẹn và mông bị loét ra. Có lẽ từ
khi bác giúp việc nghỉ, không ai giúp mẹ thay bỉm, vệ sinh thường
xuyên. Thảo nào, tuần cuối của chuyến công tác, tôi cứ đứng ngồi không
yên, lòng dạ như lửa đốt, cố làm ngày làm đêm để công việc xong trước
thời hạn, nhanh được về nhà.
Mẹ tôi sinh được 3 người con nhưng chỉ giữ được mình tôi. Bố tôi cũng
đã mất cách đây 10 năm. Sau khi bố mất, suốt 6 năm liền, mẹ sống một
mình ở quê, thuyết phục thế nào cũng không lên thành phố. Mẹ nói, mẹ
sống ở quê quen rồi, có mảnh vườn, con gà, con vịt để bầu bạn chăm sóc,
lên thành phố tù túng không chịu được. Hồi đó, cứ mỗi lần nghĩ tới cảnh
mẹ phải lẻ bóng trong khu vườn rộng mênh mông, tối tối buồn chỉ biết bật
ti vi đến lúc ngủ thiếp, tôi lại trào nước mắt.
4 năm trước, một ngày tôi nhận tin dữ từ quê nhà, người hàng xóm nói
mẹ tôi đợt này rất lạ, quên quên nhớ nhớ. Tôi vội phóng về quê, đưa mẹ
đi khám. Bác sĩ nói bà bị bệnh Alzheimer giai đoạn đầu. Vợ tôi bảo cứ để
mẹ sống ở quê, thuê người giúp việc sớm tối chăm sóc bà, thi thoảng về
thăm, mua sắm lương thực, thuốc men là được. Tôi không đành lòng, quyết
đưa bà lên ở cùng. Vợ tôi mặt nặng mày nhẹ, mấy ngày không nói một lời.
Tôi cũng mặc kệ, đến tuổi này, không lẽ lại nhảy dựng lên cãi nhau, con
cái chê cười, làm trò hề cho thiên hạ.
Mọi việc trở nên tồi tệ khi bệnh mẹ tôi trở nặng hơn, bà chẳng còn
nhớ gì nữa, cũng chẳng nhận ra tôi. Mẹ không còn định hướng được không
gian, phân biệt được thời gian. Nhiều hôm, mẹ đi tới đi lui trong nhà,
nét mặt bần thần, đờ đẫn. Rồi mẹ không tự chủ vệ sinh, nếu tôi không để
mắt một chút là nhà khai rình, thối um, khiến vợ tôi nhảy dựng lên, nói
ra nói vào. Tôi phải xin nghỉ phép mấy tuần, ở nhà chăm mẹ và tìm người
giúp việc. Suốt thời gian đó, mọi chuyện vệ sinh, tắm rửa cho bà tôi đều
tự tay làm, vợ tôi không đoái hoài.
Sau nửa năm vật lộn với chuyện osin đến rồi đi, cuối cùng tôi cũng
may mắn tìm được một bác đứng tuổi tốt tính, lại có kinh nghiệm chăm sóc
người lú lẫn, không nề hà chuyện thay bỉm, tắm rửa, lau dọn cho mẹ.
Biết vợ vô tâm, không quan tâm đến mẹ lẫn bác giúp việc, tôi thường
xuyên tâm sự, động viên, nhờ cậy bác.
Đang yên đang lành thì tôi phải đi công tác. Dù phấp phỏng lo lắng
nhưng tôi nghĩ vợ tôi chỉ ác khẩu chứ không ác tâm. Ai dè, trước ngày về
1 tuần, bác giúp việc gọi điện cho tôi, khóc lóc nói không thể tiếp tục
làm được nữa, bác tuy nghèo đói nhưng cũng có lòng tự trọng. Hóa ra,
khi tôi đi vắng, vợ tôi thường xuyên chê trách, mắng chửi bác, khiến bác
giận bỏ về quê.
Tôi biết vợ tôi, một cô con dâu thành phố, từ bé đã sống như tiểu
thư, vô tâm, ích kỷ, không có tình cảm gì với người mẹ chồng quê mùa, xa
lạ. Tôi cũng biết cô ta không quen chịu khổ sở, hôi thối để chăm sóc
cho một người già lú lẫn. Nhưng tôi không thể ngờ, cô ta có thể hành xử
với mẹ tôi như với súc vật như vậy! Thật đúng là "khác máu tanh lòng"!
Comments[ 0 ]
Post a Comment